Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi để báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để có vắc-xin tiêm cho trẻ em thời gian tới.
Tại tọa đàm "Nhìn lại năm 2021 những chuyển hướng chiến lược" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và nhận định của các nhà khoa học thì dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trong năm 2021-2022 và có thể xuất hiện biến thể mới. Thực tế đã xuất hiện biến thể Omicron. Nhưng Việt Nam đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam đã bao phủ vắc-xin Covid-19 đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy, độ bao phủ vắc-xin đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 195 triệu liều vắc-xin Covid-19 (tới hết ngày 21), đã tiêm được hơn 154 triệu liều. Tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vắc-xin gần 74%. Các tổ chức, nhà sản xuất và cả nguồn tài trợ cam kết cung ứng cho Việt Nam trên 227 triệu liều.
Về kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 năm 2022, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2).
"Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để làm sao chúng ta có đủ vắc-xin sớm nhất tiêm cho trẻ em" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Về khả năng cung ứng vắc-xin, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vắc-xin mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý 1-2022 lượng vắc-xin tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ. Hiện Việt Nam đang tiếp cận nguồn vắc-xin tiêm cho trẻ em.
Để thực hiện tiêm cho các đối tượng nêu trên, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cặn kẽ làm sao tiêm hiệu quả nhất.
"Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay và việc tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, chắc chắn chiến lược mà Chính phủ đưa ra "thích ứng an toàn, hiệu quả", tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Nói về chiến lược ngoại giao vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết đây là một trong những điểm sáng thời gian qua. Trước đó, Chính phủ đã lập Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin và chỉ đạo quyết liệt hoạt động triển khai ngoại giao vắc-xin.
Trong số hơn 190 triệu liều vắc-xin Covid-19 Việt Nam đã được tiếp cận, có khoảng 68 triệu liều vắc-xin là các đối tác tài trợ. Ngoài ra, Việt Nam còn mua thương mại rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vắc-xin diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát như vậy, kết quả đó có ý nghĩa rất thiết thực để Việt Nam có độ phủ vắc-xin.
(Nld.com.vn)
Hôm nay, Bộ Y tế xem xét cấp số đăng ký thuốc điều trị Covid-19
Hôm nay, Bộ Y tế sẽ họp xem xét cấp số đăng ký thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 5/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp nhằm xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước.
Ngoài ra, còn 6 đơn vị đang bổ sung hồ sơ để được xem xét vào đợt sau. Trước đó, 10 công ty dược nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.
Kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc Molnupiravir.
Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng ở TP.HCM từ giữa tháng 8/2021. Hiện nay đã mở rộng triển khai tại 51 địa phương có dịch trong toàn quốc, phân bổ hơn 300.000 liều.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir tại 22 tỉnh, thành cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.
Trước đó, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH 15 về cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 bắt đầu có hiệu lực từa ngày 30/12/2021. Trong đó, quy định nội dung về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được một trong những cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA) cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành.
Đây được xem là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
(Vietnamnet.vn)
Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất thế giới
Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới với hơn 90% người từ 18 tuổi đã tiêm 2 mũi.
Kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được khái quát tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 5/11.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng.
Lập hơn 700 trạm xá lưu động, điều động lực lượng lớn chưa từng có để chống dịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 2021 là năm thứ 2 liên tiếp thế giới phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, nhất là khi làn sóng dịch với biến chủng Delta và gần đây là biến chủng Omicron lây lan nhanh. Biến chủng này cũng nhanh chóng thâm nhập Việt Nam.
Dù phải đối mặt với thách thức chưa từng có trên phạm vi cả nước khi dịch Covid-19 bùng phát, người đứng đầu Chính phủ khẳng định các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế và xã hội được đảm bảo.
Thủ tướng cho biết hội nghị lần này sẽ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra nhược điểm cùng đề ra giải pháp khắc phục, xây dựng kế hoạch phát triển trong điều kiện có nhiều khó khăn và thách thức.
Ông đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; đấu tranh hiệu quả với phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung bàn phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khái quát năm qua, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện lộ trình thức ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 và là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới.
Phó thủ tướng chia sẻ khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine thuốc đặc trị, chúng ta buộc phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Việt Nam đã đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động; điều động lực lượng lớn chưa từng có, trong thời gian rất ngắn với hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Tiềm ẩn suy giảm tăng trưởng nếu không mở cửa kinh tế
Liên quan chiến lược vaccine, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.
“Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên một mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi một mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%”, Phó thủ tướng thông tin và cho biết thêm Chính phủ đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Về kinh tế, Chính phủ đã chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng năm 2021 đạt 2,58%, thu ngân sách Nhà nước vượt 16,4% dự toán, đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng.
Đề cập nhiệm vụ năm 2022, Phó thủ tướng nêu dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới, Phó thủ tướng cho biết dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
“Việc này có thể gây nguy cơ chậm phục hồi kinh tế. Suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế”, Phó thủ tướng dự báo.
Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, trọng tâm là triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP đầu người đạt 3.900 USD.