Phòng, chống dịch sang giai đoạn mới.
Hiện nhiều quốc gia đã và đang dần bình thường hóa cuộc sống, mọi người đang quay trở lại nơi làm việc, đi dự những lễ hội đông vui và tổ chức những chuyến du lịch dài ngày trở lại.
Dịch Covid-19 dường như không thể ngăn chúng ta quyết định sống bình thường trở lại, mặc dù nhiều nước vẫn tìm cách hạn chế những tác động của nó qua một số biện pháp.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của ngành y tế và cả hệ thống chính trị nhưng phải thừa nhận trong công cuộc phòng, chống dịch chúng ta vẫn còn chậm hơn một số nước trong khu vực. Đơn cử như tại thời điểm này từ Việt Nam bay sang Singapore không cần phải làm xét nghiệm Covid, nhưng từ Singapore trở về lại phải làm, vì Singapore bỏ yêu cầu này rồi, nhưng nước ta chưa bỏ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam TS Phạm Thành Trí cho biết: “Với tôi và nhiều doanh nhân chi phí xét nghiệm 30 USD không là vấn đề, nhưng mất cả buổi để làm việc này thì quả là vô lý. Các “golf thủ” và du khách nước ngoài muốn đến Việt Nam cũng thấy oải”. Ở Singapore và khá nhiều nước khu vực Đông Nam Á, bây giờ dấu hiệu duy nhất còn lại của đại dịch Covid-19 chỉ còn là những chiếc khẩu trang, mà cũng chỉ phải đeo ở nơi công cộng trong nhà (ví dụ vào nhà hát, siêu thị), còn ở ngoài trời không bắt buộc.
Việt Nam không thể đứng ngoài lề cuộc chơi. Bộ Y tế mới đây đã chuẩn bị 2 kịch bản cho dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước. Thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên.
Theo PGS.TS, Đại tá Nguyễn Kim Lưu (Bệnh viện Quân y 103) phần lớn người dân nhiễm không triệu chứng, có thể tự cách ly, điều trị tại nhà. Cuộc sống đã, đang và sẽ hồi sinh sớm trở lại trạng thái bình thường khi chính quyền thực tế đã mở toàn bộ dịch vụ của đời sống. Đã đến lúc Việt Nam cần có cách tiếp cận mới với Covid-19, chưa vội tuyên bố chấm dứt đại dịch bởi có thể khiến người dân lơ là phòng ngừa bệnh nhưng cũng cần có những chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, chú ý đến người có bệnh nền, người già sức đề kháng kém.
Thận trọng trong giai đoạn hoàn tất việc tiêm chủng trẻ em để có thể quyết định bước đi tiếp theo, Hà Nội thời gian qua cũng tiếp tục theo dõi diễn biến dịch trên thế giới, theo sát khuyến cáo của WHO để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời. Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 khác với nhiều virus gây dịch bệnh khác nên Hà Nội cần xem xét những ích lợi nào sẽ đạt được khi tuyên bố hết dịch.
Lựa chọn kịch bản nào khi giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững là nhiệm vụ của Bộ Y tế và Chính phủ. Nhưng rõ ràng, khi thông điệp 5K không còn phù hợp nữa thì cần phải sớm có một thông điệp mới, thích ứng với tình hình. Hà Nội thời gian qua được đánh giá là địa phương đã đi đầu trong suốt 2 năm chống dịch, nên thêm một lần nữa sứ mệnh lớn lại đặt lên vai các nhà lãnh đạo Thủ đô trong giai đoạn “quản lý bền vững” trong công tác phòng, chống dịch.
(Báo: Kinh tế và đô thị)
Bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 tại Hà Nội chỉ còn 20 bệnh nhân
Sau khi đạt đỉnh dịch COVID-19 vào tháng 3/2022, số ca mắc mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm nhanh chóng. Bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 có thời điểm phải tiếp nhận 300 bệnh nhân mỗi ngày ở giai đoạn đỉnh dịch, nay chỉ còn tổng cộng 20 ca bệnh đang điều trị.
(Báo: VOV)
Nuôi rắn độc làm “thú cưng”, bé 13 tuổi bị rắn cắn phải nhập viện cấp cứu
Ngày 6-5, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, tại đây vừa tiếp nhận một bệnh nhi (13 tuổi) bị rắn độc cắn nguy hiểm tới tính mạng. Điều đáng nói, con rắn độc này lại chính là “thú cưng” của bệnh nhi.
Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, con trai chị rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi.
Khoảng 15h30 ngày 3-5, trẻ thay chuồng cho rắn trong phòng riêng. Trong quá trình di chuyển rắn, bệnh nhi có dùng que sắt gắp rắn sang hộp khác. Tuy nhiên, trong lúc đóng hộp nuôi nhốt, trẻ đã bị rắn cắn vào ngón tay trỏ.
Sau đó, trẻ đã thông báo với người nhà về tai nạn nói trên. Khi vào phòng kiểm tra, gia đình tá hỏa khi thấy 3 con rắn mà con mua trên mạng để trong hộp và được giấu trong tủ quần áo. Sau tai nạn, trẻ được đưa tới Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức...
Các bác sĩ nhận định, vết thương của bệnh nhi là do rắn độc cắn. Loài rắn này là rắn lục đuôi đỏ - một trong những loài rắn cực độc. Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương... Sau 1 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ của bệnh nhi dần ổn định. Dự kiến, trẻ có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh, chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như: Chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.
Ở nước ta, loài rắn cảnh rất đa dạng và phong phú được bán tại các cửa hàng thú nuôi trên mạng. Hướng dẫn cách nuôi rắn tại các cửa hàng cũng khá đơn giản, chỉ cần trang bị một hộp có nắp đậy, thiết kế một cái hang, đặt một khay nước thế là xong tổ ấm cho “người bạn không chân”.
Tuy nhiên, khác với chó, mèo, chim là những loài thú cưng quen thuộc, việc tự nuôi rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
“Để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ và những người xung quanh, các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ, không nên cho trẻ nuôi rắn làm thú cưng trong nhà”, bác sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo.