Hà Nội kiến nghị cấp đủ thuốc điều trị F0
Ngày 6/1, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hằng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn.
Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải thực hiện tốt chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang quản lý rủi ro; xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới để vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Các cấp, ngành phối hợp rà soát để mua sắm vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm tạo điều kiện cho y tế cơ sở tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân; nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở và tại nhà. Ngành y tế phối hợp các địa phương tiếp tục huy động cán bộ y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, sinh viên ngành y tế tham gia phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0 nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.
Ngày 6/1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 16.417 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.555 ca trong cộng đồng. Trong ngày 6/1 cũng đã có 28.369 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 170 ca tử vong. Trong khi số lượng ca mắc mới giảm tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... thì lại tiếp tục tăng ở Hải Phòng, Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa... Hà Nội tiếp tục là địa phương có số người mắc trong ngày nhiều nhất, với 2.716 trường hợp. Đáng chú ý, ngày 6/1, Sở Y tế Vĩnh Long đăng ký bổ sung 9.370 trường hợp trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 4/1, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và đã phân bổ về các địa phương 176,8 triệu liều, còn khoảng 29,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng. Cập nhật đến chiều 6/1, các địa phương, đơn vị cũng đã tiêm gần 157 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 17 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về phân luồng tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 (F0). Theo đó, nguyên tắc của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tùy theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm năm bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện trung ương, bộ, ngành (riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa). F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc thành phố). F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc-xin, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.
Tối 6/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thành phố ghi nhận thêm năm trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca Omicron được phát hiện tại thành phố lên 11 ca. Theo HCDC, năm trường hợp mới này đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021, đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gien và có kết quả là nhiễm biến chủng Omicron.
Vietnamnet.vn
Linh hoạt, kịp thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca nhiễm mới xuất hiện tại thành phố Hà Nội, dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022, tuổi trẻ Thủ đô đã nhanh chóng triển khai nhiều mô hình tham gia hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, mở rộng mạng lưới 'Thầy thuốc đồng hành', 'ATM Oxy'.
Đoàn viên, thanh niên phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiếp nhận phản ánh, nhập thông tin người bệnh Covid-19.
Đồng hồ đã điểm hơn 10 giờ đêm, nhưng anh Bùi Đăng Mạnh, Bí thư Đoàn phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và nhóm cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tình nguyện vẫn mải miết nhập liệu, tiếp nhận phản ánh, tư vấn và hỗ trợ các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn phường. Bùi Đăng Mạnh là một trong gần 12 nghìn tình nguyện viên tham gia tăng cường phòng, chống dịch tại 579 xã, phường, thị trấn ở Thủ đô những ngày này. “Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn với tất cả mọi người, nhưng chúng tôi đều chủ động xin đăng ký hỗ trợ chống dịch. Toàn bộ đoàn viên, thanh niên tình nguyện đều cố gắng tranh thủ cả giờ nghỉ trưa, buổi tối và thậm chí ban đêm để túc trực, giải quyết các yêu cầu của người bệnh Covid-19, coi đây như làm những việc trong gia đình, chăm sóc người thân trong nhà”, anh Bùi Đăng Mạnh chia sẻ.
Bên cạnh lực lượng tình nguyện tại chỗ ở các xã, phường, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội còn huy động 770 tình nguyện viên y tế, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung và túc trực tại các khu cách ly tập trung; hơn 7.400 tình nguyện viên tham gia điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng. Đối với công tác hỗ trợ nhập liệu, lực lượng tình nguyện được huy động từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống dịch qua các lớp tập huấn mà Thành đoàn triển khai thời gian qua.
Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là sáng kiến phối hợp giữa Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ thành phố. Với “quân số” hơn 400 bác sĩ trẻ, sinh viên tình nguyện ngành y, dược, đội ngũ “Thầy thuốc đồng hành” của Thủ đô trong đợt tăng cường này có nhiệm vụ phối hợp linh hoạt với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, kịp thời phát hiện những F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng thông qua phần mềm hiện đại để nhanh chóng thăm khám, triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Ngoài ra, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ còn trực tiếp đi phát các gói thuốc điều trị đặc dụng, lấy mẫu xét nghiệm, đo chỉ số SpO2 tại nhà cho người bệnh... Theo các thống kê, đến thời điểm hiện tại, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã hỗ trợ thực hiện hơn 11 nghìn cuộc gọi, trong đó kết nối thành công hơn 6 nghìn cuộc gọi hỗ trợ người bệnh Covid-19, góp phần giảm áp lực cho các cơ sở y tế.
Cùng với những hoạt động thiết thực nêu trên, tuổi trẻ Thủ đô vừa khởi động mô hình “ATM Oxy” tới toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn. Theo đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, sau thời gian ngắn cấp tốc chuẩn bị, tính đến ngày 25/12/2021, hệ thống “ATM Oxy” đã được trang bị 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình oxy loại 40 lít, 800 đồng hồ, 50 máy oxy các loại 7 và 10 lít cùng 500 bộ chia oxy. “Trong khi đoàn viên ở cơ sở trực đường dây nóng 18/24 giờ trong ngày, Thành đoàn sẽ đảm nhận các tổ trực ban đêm, cùng phối hợp tiếp nhận thông tin, phối hợp lực lượng chức năng địa phương xác minh, triển khai hỗ trợ người bệnh Covid-19. Tuổi trẻ Thủ đô cũng sẽ thành lập các trạm oxy vệ tinh trên mọi quận, huyện, cắt cử tình nguyện viên đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đồ bảo hộ để trực giao nhận thiết bị, vận chuyển, lắp đặt, thu hồi bình oxy, vật tư...”, anh Nguyễn Đức Tiến cho biết.
Nhandan.vn
Thủ tướng yêu cầu khảo sát việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Thông tin này được Văn phòng Chính phủ nêu rõ trong văn bản ngày 6/1.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các kinh nghiệm rút ra từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin, về nhu cầu vắc xin cần nhập khẩu để bảo đảm mục tiêu; thống nhất cách gọi các mũi tiêm để dễ theo dõi.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vắc xin để tiêm cho trẻ em 5 - 12 tuổi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong ngày 6/1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Xét đề nghị của Bộ Công Thương về giải pháp cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại các văn bản trước đó về cung ứng, điều phối oxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trường hợp xét thấy cần thiết nhằm bảo đảm oxy cho điều trị, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu oxy theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện việc vận chuyển oxy cho y tế thuận lợi nhất, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng oxy cho điều trị.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các bộ liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cơ chế hỗ trợ giá oxy phù hợp đối với các cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng oxy cho y tế trong tình huống cấp bách theo đúng quy định của pháp luật.
Vietnamnet.vn
Hơn 28.000 F0 tại Hà Nội đang được điều trị tại nhà
Con số này chiếm khoảng gần 75% tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 6/1, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 63.148 ca mắc.
Thành phố đang điều trị cho 38.038 người mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (123), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.656), cơ sở thu dung của thành phố (1.414), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.378). Ngoài ra, 28.252 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Mặt khác, theo báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã gửi về CDC Hà Nội, thành phố đã tiêm được tổng cộng 12.941.275 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 198.953, mũi nhắc lại là 807.032.
Ngoài ra, tổng số vaccine đã tiêm được tại các bệnh viện trung ương, ngành trên địa bàn thành phố là 1.400.323 mũi. Trong đó, số lượng mũi 1 là 824.495, mũi 2 là 575.828.
Về tình hình cấp phát thuốc trên địa bàn, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C, sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Theo đó, gói thuốc bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã 11.700 túi thuốc A.
Gói B gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Các đơn vị tự chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.
Cuối cùng là gói C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang trong chương trình thử nghiệm. Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc rRT-PCR dương tính trong vòng 5 ngày, từ 18 tuổi trở lên và cam kết đồng ý tham gia bằng văn bản, không có các chống chỉ định dùng thuốc.
Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và cấp phát 12.000 gói về cho các đơn vị để chuyển đến F0 điều trị tại nhà. Trong đó, 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện đã được cấp phát túi thuốc C. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng, ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành y tế Hà Nội liên quan vấn đề này.
Trong đợt cập nhật này, Hà Nội quy định việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 tùy theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh.
Trong đó, 5 bệnh viện thuộc tầng 3 của thành phố là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Sơn Tây, các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành; riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.