Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4): Bảo hiểm sức khỏe toàn dân
Ngày Sức khỏe Thế giới hay còn gọi là Ngày Y tế Thế giới (World Health Day) được tổ chức vào ngày 7 tháng 4 hằng năm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bắt đầu từ năm 1950.
Vào dịp Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2022, WHO tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tình trạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới không được hưởng sự chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo WHO, một nửa dân số thế giới không được quan tâm về các dịch vụ y tế thiết yếu. Bởi vậy, Ngày Sức khỏe Thế giới 2022 có chủ đề "Bảo hiểm sức khỏe toàn dân" (chủ đề của năm 2017 là "Phòng, chống trầm cảm", năm 2018 - "Sức khỏe cho tất cả", năm 2019 - "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", năm 2020 - "Chăm sóc sức khỏe toàn dân", năm 2021 - "Xây dựng một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn").
Năm nay, WHO nỗ lực hướng tới việc đạt được mục tiêu "Bảo hiểm sức khỏe toàn dân" bằng cách nâng cao nhận thức rằng sức khỏe là quyền của con người và mọi người cần được tiếp cận sự chăm sóc phù hợp đúng thời điểm và đúng nơi.
Theo cách biểu của WHO, bảo hiểm y tế toàn dân có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không gặp khó khăn về tài chính; toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe bao gồm thúc đẩy các sáng kiến chăm sóc sức khỏe, cung cấp các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo điều trị, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có thể tiếp cận được với chi phí có thể kiểm soát được.
Thực tế cho thấy, những người sống trong cảnh nghèo đói thường bán gần như toàn bộ tài sản và tiêu hết tiền tiết kiệm để đáp ứng các chi phí chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể giúp họ bảo đảm sức khỏe và vượt qua tình trạng hiện tại, nhưng họ phải trả giá bằng việc phải đối mặt với khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Bảo hiểm sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng và cải thiện sức khỏe cũng như cuộc sống của mọi người; hướng tới việc bảo vệ mọi người khỏi hậu quả từ việc phải chi một khoản tiền khổng lồ cho việc chăm sóc sức khỏe.
Chủ đề Ngày sức khỏe thế giới 2022 của WHO - Bảo hiểm sức khỏe toàn dân - đồng bộ với các Mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc (The Sustainable Goals is a United Nations), là 17 mục tiêu mà các quốc gia cần phải đạt được đến năm 2030. Trong số này có: No Poverty – Không đói nghèo; Good Health and Well-being – Sức khỏe tốt và Hạnh phúc; Clean Water and Sanitation – Nước sạch và Vệ sinh…
Theo cách tính của WHO, Bảo hiểm sức khỏe toàn dân được đo lường như sau: các quốc gia có những thách thức khác nhau và có cách đo lường mức độ bao phủ sức khỏe toàn dân theo nhu cầu của họ.
Tuy nhiên, cần phải có một số tiêu chuẩn nhất định, do đó, hai điểm sau được nhấn mạnh nhằm đo lường tiến trình của chiến dịch: Proportion of the population that has access to quality health care – Tỷ lệ dân số được chăm sóc sức khỏe có chất lượng; Proportion of population that spends a huge chunk of income on health – Tỷ lệ dân số chi một phần lớn thu nhập cho y tế.
Bảo hiểm sức khỏe toàn dân là cách tốt nhất để đảm bảo tài chính trong trường hợp xảy ra rủi ro liên quan đến chăm sóc y tế. Từ năm 2019, WHO và các đối tác đã đưa ra 10 vấn đề trong lĩnh vực y tế cần được quan tâm đặc biệt, trong đó có tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu thường là nơi đầu tiên người dân tiếp xúc với hệ thống y tế. Lý tưởng nhất là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, chi phí hợp lý và hướng tới cộng đồng trong suốt cuộc đời.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu y tế trong suốt cuộc đời của một người. Cần phải có hệ thống y tế với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhằm đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia vẫn chưa có đủ cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vấn đề này có thể là do các nước với mức thu nhập thấp và trung bình không nắm đủ nguồn lực, nhưng cũng có thể do các nước này chỉ tập trung vào từng chương trình phòng, chống bệnh riêng trong suốt nhiều thập kỷ.
(suckhoedoisong.vn)
Sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cha mẹ cần ghi nhớ điều này
Bộ Y tế hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ 5-11 tuổi sau tiêm vacine COVID-19.
Theo Bộ Y tế, sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.
- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 30 phút.
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ 5-11 tuổi được cấp hộ chiếu vaccine
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine COVID-19 sẽ được cấp hộ chiếu vaccine. Với tất cả những mũi tiêm của trẻ, các cơ sở tiêm chủng phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các cơ sở tiêm chủng cũng thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống. Sau đó, Cục Y tế dự phòng ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine.
Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin cũng khẳng định, hộ chiếu vaccine được cung cấp thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và ứng dụng PC-COVID. Với người không sử dụng hai ứng dụng trên, có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập thông tin gồm Họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân (hoặc mã định danh), ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.
"Đặc biệt, người dân có thể in hộ chiếu ra giấy để sử dụng", ông Nam nhấn mạnh.
(vtc.vn)
Hà Nội: Gần 1 triệu trẻ quay trở lại trường học, chuyên gia chỉ cách phòng dịch
Gần 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội chính thức trở lại trường vào ngày 6-4.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi cho trẻ quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới nhà trường, thầy cô cần giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ phải đưa đi cách ly ngay.
Lực lượng y tế tiến hành xét nghiệm để nhanh chóng có phương án không ảnh hưởng đến việc học tập và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chuyên gia y tế dự phòng lưu ý, trong trường hợp cho học sinh quay trở lại, gia đình và nhà trường học cần áp dụng các biện pháp phòng dịch trong trường một cách kỹ lưỡng như Bộ Y tế đã quy định.
Đối với phụ huynh, đảm bảo trước khi đưa con đến trường không bị sốt, ho. Nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải báo ngay cho y tế, nhà trường. Ở nhà, cha mẹ cần chăm sóc sức khỏe cho các em.
Đối với trường học, cần xây dựng nội quy an toàn phòng, chống dịch, thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết và được dán ở mọi lớp học. Trường phải kiểm thân nhiệt, giám sát việc đeo khẩu trang. Lực lượng y tế luôn có người trực tại trường. Nếu có điều kiện, cho các em ngồi giãn cách, yêu cầu học sinh không tụm 5, tụm 7.
TS.BS Vũ Tùng Sơn - Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ - Học viện Quân y, cho biết hiện nay cả nước đã bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc học sinh đến trường là cần thiết cho sự phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần của trẻ.
Khi học sinh quay trở lại trường học, việc phát hiện F0 trong chính môi trường các em sinh hoạt học tập là điều khó tránh khỏi. Vì thế, nhà trường cần chủ động phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 để có hướng xử trí kịp thời.
Nếu một lớp xuất hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chỉ yêu cầu lớp đó nghỉ học. Các lớp khác vẫn dạy và học bình thường.
Theo BS Sơn, giáo viên chủ nhiệm từng lớp nên lập nhóm chat với phụ huynh để theo dõi tình hình sức khỏe học sinh. Nhà trường phải bố trí lớp học có quạt, thông thoáng, mở cửa sổ. Đồng thời nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang riêng nhằm tránh lây nhiễm cho học sinh, giáo viên và người làm vệ sinh.
Đặc biệt, học sinh, giáo viên phải tuân thủ các biện pháp 5K. Học sinh khi trở lại trường học phải mang khẩu trang, mỗi em nên có thêm khẩu trang y tế để dự phòng.
Học sinh cũng nên chuẩn bị sẵn bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm.
Giáo viên nên hướng dẫn học sinh tránh tụ tập, giữ khoảng cách với các bạn, tại mỗi lớp nên bố trí bình sát khuẩn. Học sinh cũng nên có thêm chai sát trùng khử khuẩn riêng, được hướng dẫn, nhắc nhở rửa tay, sát khuẩn tay trước khi đến trường, khi về nhà…
Trước khi trẻ đi học, phụ huynh dùng nhiệt kế đo thân nhiệt cho các em, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. Trong quá trình học, học sinh có các triệu chứng mệt mỏi, ho sốt... cần báo ngay cho giáo viên để được theo dõi, xử lý.
(plo.vn)
Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Hiến máu tình nguyện – Hoạt động nhân văn và nhiều lợi ích
Hiến máu tình nguyện là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần 'tương thân tương ái' của dân tộc Việt Nam. Máu là loại thuốc đặc biệt quý hiện chưa có gì thay thế được và chỉ được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, luôn biết yêu thương, sẻ chia, có trách nhiệm với cộng đồng. Tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi người không chỉ nhận về niềm vui khi có thể góp phần cứu sống người khác mà còn nhận được rất nhiều lợi ích cho chính bản thân mình.
Lan tỏa hành động nhân văn
Mỗi năm, nước ta cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để đáp ứng cho các nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh; dự phòng cho tai nạn, thảm họa, dịch bệnh… như thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua.
Máu có thể coi như món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người. Hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước luôn có những trường hợp người bệnh cần truyền máu để duy trì cuộc sống. Chỉ với một đơn vị máu được hiến tặng đạt yêu cầu, người hiến máu đã đem đến niềm tin, sự sống cho cả người bệnh và gia đình người bệnh cần máu.
Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã, đang phát triển rộng khắp, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lực lượng vũ trang; y tế, các chức sắc tôn giáo, công nhân và người lao động… Lượng máu tiếp nhận được qua các năm dù có tăng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu về máu của các bệnh viện trong cả nước.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ý thức của cộng đồng hiện nay đã hoàn toàn khác so với 5, 10 năm trước. Thời gian qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng mỗi lần gặp tình trạng thiếu máu, Viện chỉ cần kêu gọi, ngay ngày hôm sau đã có hàng ngàn người dân tham gia hiến máu.
Thiếu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh sẽ không còn là nỗi lo, nếu tất cả mọi người khỏe mạnh đều sẵn sàng chia sẻ những giọt máu quý giá của mình; hiến máu thường xuyên, không vụ lợi để có được nguồn máu an toàn nhất.
Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh từng khẳng định, máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Những người hiến máu thường xuyên luôn sẵn sàng hiến máu theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu (khi đủ điều kiện), luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, đồng thời tự biết sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên có chất lượng nhất và an toàn nhất.
Tất cả mọi người khỏe mạnh có độ tuổi từ 18 – 60; cân nặng từ 42 kg trở lên đối với nữ và 45kg trở lên đối với nam; huyết sắc tố lớn hơn hoặc bằng 120g/l; không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu… đều có thể hiến máu. Hiến máu theo đúng hướng dẫn không có hại cho sức khỏe, do những thành phần của máu có đời sống nhất định và được thay thế thường xuyên. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn đời sống.
Nhiều lợi ích cho người hiến máu
Tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu không chỉ góp phần cứu người mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho bản thân.
Theo Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc hiến máu thường xuyên, nhất là khi tuổi còn trẻ, góp phần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm tỷ lệ xuất hiện các cơn đột quỵ và các bệnh tim mạch.
Khi tham gia hiến máu tình nguyện, người hiến máu được khám, tư vấn sức khỏe và làm một số xét nghiệm máu miễn phí; được đảm bảo an toàn truyền nhiễm và bí mật thông tin cá nhân; có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc sau hiến máu theo quy định hiện hành. Người hiến máu còn được nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc các gói xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe, tầm soát nhiều bệnh lý nguy hiểm để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe hoặc có các can thiệp y tế chuyên sâu hơn.
Đặc biệt, người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Không chỉ có giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn máu miễn phí trong trường hợp người hiến máu cần truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Số lượng máu bồi hoàn tối đa bằng lượng máu đã hiến.
Như vậy hiến máu tình nguyện không chỉ giúp mỗi người có tinh thần thoải mái bởi cảm giác mình có thể cứu giúp tính mạng của ai đó mà còn giúp cơ thể người hiến máu khỏe mạnh hơn; đồng thời là cách để mỗi người kiểm tra, giám sát sức khỏe định kỳ.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mong muốn, những người dân có đủ sức khỏe tham gia hiến máu thường xuyên bất cứ khi nào có đủ điều kiện, cơ hội. Vì hàng ngày, hàng giờ luôn có rất nhiều bệnh nhân cần truyền máu để duy trì sự sống.
Trong suốt 22 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 7/4 là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện" nghĩa cử hiến máu cứu người cao đẹp đã lan tỏa ngày càng sâu rộng khắp các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Hưởng ứng ""Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện" năm nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức ngày hội hiến máu và lễ mít tinh hưởng ứng. Ngày 7/4 không chỉ là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người mà đã thực sự trở thành ngày hội để mỗi người dân Việt Nam thực hiện nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người, vận động mọi người tham gia hiến máu, góp phần nối dài sự sống cho những người bệnh cần máu.