*Hà !important; Nội đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh, giảm thiểu thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà
Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng cơ sở, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà; cung cấp bảo đảm túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản về việc triển khai thực hiện Thông báo số 677 của Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm cơ số thuốc, điều kiện vật chất, nguồn nhân lực; quản lý chặt F0, tổ chức tốt các tổ hỗ trợ, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, theo dõi các ca F0 chuyển tầng, tử vong. Sở Y tế có trách nhiệm tăng cường tập huấn, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn người dân căn cứ dịch tễ, sức khỏe để thực hiện xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Cùng với đó: Tăng cường điều phối, bố trí, phân luồng; hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, để tránh bị quá tải và hoàn thành tốt nhiệm vụ; bao gồm lực lượng y tế tư nhân, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, sinh viên, nhất là huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng.
Sở Y tế cũng có trách nhiệm thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong; phối hợp các đơn vị của trung ương để thực hiện giải trình tự gen các ca dương tính trong cộng đồng để xác định chủng virus lưu hành trên địa bàn nhằm có phương án phòng, chống dịch kịp thời.
Sở Y tế tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng cơ sở, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà; tăng cường ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu dân cư; cung cấp bảo đảm túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ điều trị tại nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm bao phủ một cách nhanh nhất mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn.
Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra quản lý, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, ngăn chặn kịp thời đầu cơ trang thiết bị y tế, thuốc điều trị... phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện công khai minh bạch cơ chế, chính sách thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định...
(Báo Công an nhân dân)
*Đơn giản hóa thủ tục xác nhận hết cách ly cho người bệnh
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Theo đó, các phường, xã, thị trấn củng cố hỗ trợ chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm; thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế.
Tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) thời gian qua trung bình có 150-200 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên, phường đã chủ động chia đầu việc xuống từng tổ dân phố với nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin.
Phường đã thành lập 8 tổ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà với 35 thành viên cùng trạm y tế hỗ trợ từng bệnh nhân khai báo y tế, mua nhu yếu phẩm, cấp phát thuốc qua các nhóm Zalo từng khu dân cư, tổ dân phố... Các thông tin được cập nhật ngay vào phần mềm quản lý F0.
Với số bệnh nhân lớn, việc giải quyết thủ tục hành chính cũng đặt ra bài toán phải bố trí nhân lực hợp lý bởi nếu dồn hết vào lực lượng y tế, công việc chăm sóc F0, tiêm vắc xin cho đối tượng nguy cơ sẽ không đạt hiệu quả cao nhất.
Hàng ngày, qua phần mềm quản lý F0, trạm y tế sẽ phê duyệt khỏi bệnh cho bệnh nhân; bệnh nhân tự tets âm tính, chỉ cần gửi ảnh hoặc quay video qua nhóm Zalo.
Sau đó, UBND phường sẽ ra văn bản xác nhận hết thời gian cách ly, chuyển xuống tổ dân phố để gửi tận tay người dân. Những trường hợp bị thất lạc, người dân ra bộ phận một cửa của phường để được cấp lại với thời gian làm thủ tục không quá 10 phút.
Chị Hoàng Thị Hải Ninh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết những ngày này các cán bộ nhân viên tại đây đang phải căng mình để hỗ trợ những người bị mắc Covid-19.
“Trạm Y tế có 9 cán bộ thì 8 người cũng là F0. Chính vì vậy, các cán bộ vừa phải tự cách ly, chữa trị ngay tại trạm đồng thời đảm bảo các điều kiện an toàn để hỗ trợ người dân chăm sóc, làm thủ tục”, chị Ninh chia sẻ.
Mỗi ngày trạm phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng cao lên tới hàng trăm ca đồng thời cũng phải hỗ trợ các bệnh nhân khỏi bệnh. Chính vì vậy, phường Quan Hoa đã thành lập 6 tổ với 48 thành viên hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Hiện nay, tất cả các trường hợp dương tính tại nhà, người dân sẽ chủ động quay video hoặc chụp ảnh lại mẫu test kèm ngày giờ, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và cam kết rồi gửi qua email của trạm y tế. Sau đó sẽ có cán bộ y tế của phường kiểm tra email và gửi người dân đường link https://chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn để khai báo.
Cùng với đó, thông qua Gmail hoặc Zalo, Trạm y tế phường sẽ gửi các bước hướng dẫn người dân tự test Covid-19, mua thuốc, chăm sóc tại nhà thậm chí gọi video call qua Zalo mỗi khi người dân có thắc mắc.
Trong thời gian qua, các phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo F0, F1 đều được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.
Khoảng 108 nhóm Zalo “Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà” liên tục phối hợp với UBND phường, Trạm y tế phường quản lý và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Tương tự, tại huyện Mê Linh hiện có khoảng 135 “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà”. Quận Bắc Từ Liêm cũng có hơn 215 “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà” với 973 thành viên, 32 xe máy.
Cũng tại ứng dụng Zalo, người dân có thể theo dõi các thông tin về Covid-19 tại trang Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội” để nắm bắt kịp thời, thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Với số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh, việc cho phép theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà được đánh giá đã giúp giảm tải số lượng người bệnh tại bệnh viện, các điểm thu dung. Mặt khác, đối với người nhiễm Covid-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, việc điều trị tại nhà cũng đảm bảo hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo./.
(Báo Lao động thủ đô)
*Bộ Y tế đề xuất 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà hưởng bảo hiểm xã hội
Bộ Y tế vừa có đề xuất 2 phương án đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc Covid-19.
Mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 80% ca mắc Covid-19 nhẹ, không triệu chứng, được theo dõi và điều trị tại nhà. Trong đó, số lượng có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, bao gồm chế độ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện. Trong khi đa số F0 chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc hoàn thành điều trị Covid-19 tại nhà do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế cấp xã cấp.
Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 có 2 giấy tờ:
1) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.
2) Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Thực tế, F0 điều trị tại nhà không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Luật BHXH và Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Những người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại nhà hiện có các loại giấy tờ sau:
1) Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp.
2) Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp.
3) Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc rRT-PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp.
4) Giấy xác nhận bị mắc Covid-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp.
5) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị Covid-19 tại nhà.
6) Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung.
7) Phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến.
Đối chiếu với quy định của các văn bản Luật thì 7 loại giấy tờ nêu trên chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án giải quyết.
Phương án 1 là đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc Covid-19.
Phương án 2 là đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ nêu trên vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Do vậy, việc sửa đổi Thông tư 56/2017/TT-BYT là cấp thiết để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.
Theo ông Khuê, nếu Thông tư sửa đổi được ban hành, được Chính phủ đồng ý giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế công nhận một số loại giấy tờ khác (thí dụ như Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp, Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp…) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, thì sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hưởng chế độ.
Các quy định mới cũng sẽ giảm số lượng người dân bị Covid-19 đang điều trị tại nhà đến các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị được cấp giấy chứng nhận, giảm quá tải cho hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn và một số tỉnh đang có số ca mắc cao như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Quan trọng hơn là từ đây cũng sẽ giảm nguy cơ gây lây lan bệnh dịch bệnh, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng chính sách BHXH khi không may bị mắc Covid-19.