Điều trị chứng đau sau mắc bệnh zona thần kinh bằng các phương pháp vật lý trị liệu
Bệnh Zona hay Herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da do sự tái hoạt của virus Varicella zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống...
Theo Ths.BS. Lê Duy, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108: Bệnh Zona hay Herpes zoster có đặc trưng là sự xuất hiện các các ban đỏ, mụn nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Bệnh thường tương đối nhẹ và không để lại di chứng, tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể để lại các biến chứng đặc biệt là hội chứng đau sau zona. Đây là biến chứng thường gặp nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì việc áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu để điều trị hội chứng này đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt.
Bệnh zona hay gặp ở người già, người suy giảm miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện ở những vị trí như: Trán-quanh mắt-đầu, cổ-vai-cánh tay, liên sườn một bên từ ngực vòng ra sau lưng hoặc dọc từ hông xuống đùi theo đường đi của các dây thần kinh chi phối, thường chỉ có một bên của cơ thể, nhưng cá biệt có trường hợp cả hai bên hay lan toả.
Chẩn đoán xác định bệnh chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng với hai giai đoạn. Giai đoạn khởi phát đặc trưng với các cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối kéo dài từ 1 đến 5 ngày. Sau đó, trên vùng da này xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải, thành vệt. Người bệnh có thể thấy nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu. Giai đoạn toàn phát xuất hiện sau khoảng vài ngày với sự xuất hiện các mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho trên nền da đỏ, thường ở một bên cơ thể, không vượt quá đường giữa và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên; cá biệt bị cả hai bên hay lan toả. Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, sau đục, hóa mủ, dần dần vỡ đóng vảy tiết. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần.
Điều trị bệnh zona nên được bắt đầu sớm nhằm mục đích chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống vi rút, phòng tránh các biến chứng nặng và đặc biệt là hội chứng đau sau zona. Bên cạnh việc sử dụng các thuốc nội khoa như Acyclovir với liều dùng 4g/ngày trong 7-10 ngày khi có tiền triệu hoặc ít nhất 72h sau khi mọc mụn nước; phối hợp với interferon để điều trị trong những trường hợp nặng; sử dụng các thuốc giảm đau theo bậc hoặc các thuốc giảm đau thần kinh để làm giảm tình trạng đau của người bệnh thì việc kết hợp với các biện pháp điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng như tử ngoại, sóng ngắn, laser…. vào vùng tổn thương với mục đích chống viêm, giảm đau, làm vết thương khô và nhanh lành cũng đem lại hiệu quả tốt.
Đau sau zona là một biến chứng thường gặp nhất sau mắc bệnh Zona. Đây là một hội chứng gây ra tình trạng đau dai dẳng ở khu vực từng bị phát ban trong hơn 90 ngày sau khi phát ban. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.
Tỷ lệ mắc hội chứng đau sau zona tăng dần theo tuổi. Theo nghiên cứu, tỷ lệ người bệnh mắc hội chứng đau sau zona (được định nghĩa là đau ít nhất 90 ngày được ghi nhận) tăng từ 5% ở những người dưới 60 tuổi lên 10% ở những người từ 60 đến 69 tuổi và lên 20% ở những người từ 80 tuổi trở lên.
Nguyên nhân gây ra tình trạng đau này là do virus gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút tận cùng thần kinh cảm giác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi trên 50; người bị zona mức độ nặng hoặc tổn thương phát ban nặng; người bị zona ở mặt hoặc thân mình; người mắc zona không được điều trị sớm trong vòng 72 giờ sau khi ban đỏ xuất hiện.
Việc chẩn đoán người bệnh mắc chứng đau sau zona dựa vào các đặc điểm bao gồm tình trạng đau kéo dài ba tháng hoặc lâu hơn sau khi tổn thương da đã lành. Cơn đau liên quan được mô tả là bỏng rát, buốt và nhói, hoặc sâu và nhức nhối. Cơn đau thường không liên tục và không tương quan với các kích thích bên ngoài. Những vùng da thiếu nhạy cảm thông thường khi chạm vào cũng có thể gây ra tình trạng đau quá mức. Các tiếp xúc chạm nhẹ hoặc tiếp xúc với quần áo đôi khi cũng là yếu tố gây nên khởi phát tình trạng đau.
(vtv.vn)
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân đái tháo đường cần được chuẩn bị những gì?
Đái tháo đường là bệnh nội tiết chuyển hóa phổ biến nhất trong xã hội ngày nay. Trong đó, số bệnh nhân đái tháo đường cần phẫu thuật chiếm từ 25 - 50%.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Lý, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108: Bệnh đái tháo đường thường đi kèm các bệnh lý khác như tăng huyết áp, béo phì, bệnh tim mạch mạn tính,… làm tăng nguy cơ tai biến và tử vong sau phẫu thuật. Kiểm soát tốt đường huyết trước mổ, đặc biệt là các phẫu thuật chương trình là yêu cầu bắt buộc nhằm mục đích hạn chế các biến chứng xảy ra. Do đó, việc đánh giá và chuẩn bị trước phẫu thuật cho bệnh nhân đái tháo đường là một nội dung rất quan trọng và nhiều khó khăn, phức tạp.
Điều trị đái tháo đường cũng giống như tăng huyết áp là điều trị cá thể hóa nên với mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau và một mức kiểm soát đường huyết tối ưu khác nhau. Khi thăm khám bệnh nhân đái tháo đường trước mổ cần chú ý ghi nhận rõ ràng và chính xác bệnh nhân thuộc đái tháo đường typ 1 hay typ 2? phác đồ thuốc bệnh nhân đang dùng như thế nào? (bao gồm cả loại thuốc, hàm lượng thuốc, thời gian dùng thuốc của bệnh nhân).
Tình trạng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân sẽ được đánh giá bằng xét nghiệm đường huyết lúc đói và nồng độ HbA1C. Tuy nhiên đường huyết rất dễ thay đổi do nhiều yếu tố kích thích khác nhau ở các bệnh nhân phẫu thuật như đau đớn hay lo lắng, sợ hãi…Gần đây, các khuyến cáo đề nghị sử dụng nồng độ HbA1c như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự ổn định của đường huyết bệnh nhân. Nồng độ HbA1c phản ánh tình trạng đường huyết của 2-3 tháng trước đó nên có giá trị đánh giá tình trạng đường huyết bệnh nhân tốt hơn nhiều so với 1 giá trị đường huyết được đo trước phẫu thuật, vốn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kích thích khác nhau.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nồng độ HbA1C cao liên quan đến gia tăng tình trạng nhiễm trùng và biến cố tim mạch sau phẫu thuật. Do đó, nhiều khuyến cáo quốc tế thống nhất nên trì hoãn phẫu thuật khi nồng độ HbA1C ≥ 8.5%. Tương tự với nồng độ đường huyết lúc đói của bệnh nhân, nhiều khuyến cáo chỉ ra rằng nên trì hoãn phẫu thuật nếu con số này ≥ 10 mmol/l. Bệnh nhân đái đường trước mổ cần được hội chẩn chuyên khoa nội tiết và gây mê hồi sức để có thể thay đổi chế độ điều trị hiện tại của bệnh nhân, đáp ứng yêu cầu phẫu thuật. Nếu bệnh nhân khó kiểm soát đường huyết trước mổ bằng thuốc uống thì chuyển sang sử dụng liệu pháp insulin. Mục tiêu tốt nhất là duy trì đường huyết trước mổ từ 6,67- 10 mmol/L (120 - 180 mg/dL) và HbA1c <8,5 % (69 mmol/mol) .
Việc chuẩn bị bệnh nhân đái tháo đường trước mổ lý tưởng nhất là rút ngắn tối đa thời gian nhịn ăn uống, cũng như hạn chế tối đa việc thay đổi thời gian dùng thuốc hạ đường huyết của bệnh nhân. Bệnh nhân đái tháo đường nên được ưu tiên sắp xếp phẫu thuật sớm vào buổi sáng và nên được cung cấp dung dịch nước uống chứa đường tối đa đến 2h trước phẫu thuật. Việc thay đổi thời gian sử dụng thuốc của bệnh nhân cũng cần được kiểm soát kĩ càng và chặt chẽ, dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Nói chung, các khuyến cáo hiện nay đều đề nghị các thuốc hạ đường huyết đường uống đều phải ngưng sử dụng 24 giờ trước phẫu thuật. Các thuốc nhóm kích thích bài tiết insulin (sulfonylureas, meglitinides) hay nhóm ức chế men α – Glucosidase có nguy cơ gây hạ đường huyết. Do đó, nếu bệnh nhân đang điều trị với các thuốc uống hạ đường huyết thuộc các nhóm này và có đường huyết không ổn định thì nên chuyển sang dùng insulin, nếu đường huyết ổn định thì có thể duy trì điều trị và ngưng 24 giờ trước khi phẫu thuật.
Riêng đối với metformin, là một trong các loại thuốc điều trị đái đường type 2 phổ biến hiện nay, việc ngưng thuốc trước mổ còn chưa hoàn toàn thống nhất. Ưu điểm nổi bật của metformin là nếu dùng đơn độc sẽ không gây biến chứng hạ đường huyết. Tuy nhiên một biến chứng nguy hiểm của metformin là gây nhiễm toan lactic. Các chuyên gia cho rằng nên ngừng metformin ở các bệnh nhân có rối loạn chức năng thận và những phẫu thuật lớn có nguy cơ rối loạn thể tích tuần hoàn nhiều.
Đối với insulin, việc điều chỉnh cần căn cứ vào loại insulin và số mũi tiêm insulin trong ngày của bệnh nhân để điều chỉnh. Nếu bệnh nhân chỉ tiêm một đến hai mũi insulin nền mỗi ngày, có thể giữ nguyên hoặc giảm liều insulin xuống khoảng 10% đến 25% vào trước ngày phẫu thuật. Nếu bệnh nhân đang truyền insulin liên tục, cần tiếp tục truyền và theo dõi sát để điều chỉnh. Việc điều chỉnh liều cần có sự tư vấn kĩ càng của bác sĩ chuyên khoa nội tiết và bác sĩ gây mê hồi sức.
Với các trường hợp phẫu thuật cấp cứu cần xét nghiệm định lượng xeton máu, nên sử dụng Insulin truyền tĩnh mạch với tốc độ tùy thuộc vào nồng độ đường trong máu, nếu cần thiết có thể dùng kết hợp với truyền dextrose 5% trong nước muối 0,45% và bổ sung kali clorua 1g/500 ml.
Đối với bệnh nhân không điều trị insulin:
- Duy trì điều trị các thuốc hạ đường huyết đường uống đến ngày trước phẫu thuật
- Ngày mổ ngừng các thuốc hạ đường huyết đường uống.
- Nhịn ăn từ 6 - 8 giờ trước phẫu thuật
- Có thể uống nước tinh thể kèm nước giàu carbonhydrat và ngừng trước mổ 2 giờ
- Kiểm tra glucose mao mạch trước mổ
- Nếu glucose mao mạch từ 4-12 mmol/l, không can thiệp gì thêm
- Nếu glucose >12 mmol/l, có thể bắt đầu sử dụng liệu pháp insulin duy trì tĩnh mạch, kiểm tra glucose mao mạch mỗi giờ, trước, trong và sau mổ đến khi ổn định.
- Ngừng insulin TM khi bệnh nhân ăn trở lại và duy trì lại thuốc hạ đường huyết đường uống.
Đối với bệnh nhân sử dụng insulin:
- Duy trì điều trị đến ngày trước phẫu thuật
- Ngày mổ ngừng insulin nhanh
- Nhịn ăn trước phẫu thuật 6-8 giờ
- Có thể uống nước tinh thể kèm nước giàu carbonhydrat ngừng trước mổ 2 giờ
- Nếu bệnh nhân có dùng insulin tác dụng chậm buổi sáng thì có thể duy trì một nửa liều bình thường.
- Kiểm tra glucose mao mạch trước mổ.
- Nếu glucose mao mạch từ 4-12 mmol/l và tiên lượng bệnh nhân có thể ăn lại ngay trong ngày và không nhịn quá 2 bữa thì không cần dùng thêm insulin tĩnh mạch
- Nếu glucose >12 mmol/l, có thể bắt đầu sử dụng insulin duy trì tĩnh mạch, kiểm tra glucose mao mạch mỗi giờ, trước, trong và sau mổ đến khi ổn định
- Khi bệnh nhân ăn trở lại thì chuyển sang dùng insulin dưới da theo điều trị trước
Việc chuẩn bị trước phẫu thuật cho bệnh nhân đái tháo đường là một công việc rất quan trọng và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa bao gồm nội tiết, gây mê hồi sức và phẫu thuật. Tại Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân bị đái tháo đường luôn được thăm khám và điều chỉnh, tối ưu hóa tình trạng đường huyết trước, trong và sau mổ. Đây là một nội dung trong chương trình ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) nhằm giảm thiểu tai biến biến chứng phẫu thuật, tăng cường hồi phục cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
(vtv.vn)
Trường hợp có nguy cơ bị đau đầu hậu Covid-19
Đau đầu là một trong những di chứng hậu Covid-19 phổ biến. Đặc biệt, F0 từng có tiền sử đau nửa đầu càng dễ gặp tình trạng này sau khi khỏi bệnh.
Đau đầu là triệu chứng phổ biến ở người mắc Covid-19, với hầu hết biến chủng. Thậm chí, nhiều người vẫn tiếp tục cơn đau đầu sau khi khỏi bệnh. Nó có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Theo Hiệp hội Đau đầu Mỹ, tiến sĩ Chia-Chun Chiang, Phó cố vấn cao cấp kiêm Trợ lý giáo sư Thần kinh học tại Mayo Clinic, Minnesota (Mỹ), cho biết những người bị đau đầu hậu Covid-19 thường đau nhói ở một bên. Ngoài ra, một số người còn nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.
"Một số bệnh nhân mô tả đó là cơn đau đầu âm ỉ, nhẹ rồi biến mất. Nhưng cũng có người trải qua cơn đau suy nhược, tồi tệ nhất trong cuộc đời của họ, dai dẳng hàng ngày trong thời gian dài", tiến sĩ Chiang chia sẻ.
Chuyên gia này cũng cho biết khoảng 47% bệnh nhân bị đau đầu sau khi mắc Covid-19. Hầu hết bệnh nhân nhận thấy cơn đau đầu thuyên giảm sau 2-3 tháng. Tuy nhiên, một số người có thể cảm nhận cơn đau trong thời gian dài hơn, lên đến 6 tháng.
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể phát triển chứng đau đầu hậu Covid-19, những người có tiền sử đau nửa đầu có nguy cơ cao hơn. Đặc biệt, họ nhận thấy cơn đau cũng gia tăng tần suất và cường độ sau khi khỏi Covid-19.
"Trước đây, họ chỉ bị một cơn đau nửa đầu mỗi tháng. Sau khi mắc Covid-19, họ có thể bị đau đầu suy nhược kéo dài trong 1-2 tháng", bác sĩ Chiang nói.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cách kiểm soát chứng đau đầu do Covid-19 hiệu quả là ngủ đủ giấc, đúng giờ, giảm căng thẳng và ăn uống điều độ. Ngoài ra, các bài tập thư giãn có thể hữu ích khi bạn bị căng cơ ở cổ và vai.
Uống thuốc giảm đau đầu có thể là lựa chọn hợp lý nhưng bạn nên giới hạn dưới 3 ngày/tuần. Điều quan trọng là người bệnh không nên dùng thuốc giảm đau thường xuyên hàng ngày vì chính chúng có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu (đau đầu do lạm dụng thuốc).
Nếu bắt buộc phải dùng thuốc giảm đau, bạn nên sử dụng Paracetamol và Ibuprofen. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp, đặc biệt khi bạn bị đau đầu hàng ngày.