Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm.
Sau 3 tuần đồng loạt ra quân kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý không ít vi phạm. Nhờ đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm
Từ ngày 15-4 đến hết ngày 6-5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 15 quận, huyện, thị xã; đồng thời, trực tiếp kiểm tra tại 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng và bếp ăn tập thể. Kết quả, có 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn, 3 cơ sở vi phạm, 7 cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, với tổng số tiền phạt gần 30 triệu đồng.
Theo chân đoàn Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, bên cạnh những cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định thì vẫn còn tồn tại những nơi chưa đáp ứng các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra nhà hàng hải sản Chân Mây (khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã phát hiện một số loại gia vị chế biến món ăn không có tem nhãn. Nhà hàng cũng chưa xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của nhà cung cấp hải sản; bản cam kết của nhà cung cấp đồ khô; bản công bố của đá viên.
Còn tại nhà hàng Bảo Minh (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cũng phát hiện khu vực bếp của nhà hàng có kiến và ruồi do cửa sổ không có tấm chắn côn trùng. Tương tự, tại thời điểm kiểm tra, kho bảo quản thực phẩm đông lạnh của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Vương (30 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) chưa được vệ sinh thường xuyên, thiếu giá, kệ theo quy định…
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố đánh giá, trong 3 tuần triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, quận Ba Đình đã kiểm tra được hơn 400 cơ sở, trong đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 16 triệu đồng. Phó Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở có biến động về loại hình kinh doanh, cơ sở vật chất xuống cấp, thay đổi địa điểm và nhân viên… Ngoài ra, công tác tập huấn, phổ biến kiến thức của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nên ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở còn hạn chế.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hương, các cơ sở mới hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, nên việc cập nhật, đôn đốc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế…
Tiếp tục siết chặt quản lý
Từ thực tế nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, sau khi phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh hơn.
Nhờ chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, quận Long Biên đã có 15 cơ sở được gắn biển cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát. Ngoài ra, 100% trường công lập có bếp ăn tập thể triển khai thực hiện mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, trên các website của quận và 14 phường, đài phát thanh các phường và bản tin của các tổ dân phố đã công khai các số điện thoại thường trực để người dân dễ tiếp cận và phản ánh, khi phát hiện các cơ sở nghi ngờ mất an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng và người dân kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm sẽ giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả hơn.
Còn theo ông Đặng Thanh Phong, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường liên tục, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
(Báo Hà Nội mới)
Hà Nội có thêm 617 ca Covid-19 trong 24 giờ qua
Chiều 8-5, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 617 ca Covid-19, trong đó có 179 ca cộng đồng, 438 ca đã cách ly. Quận Hà Đông là địa bàn có số ca nhiễm nhiều nhất trong 24 giờ qua.
Cụ thể, 617 bệnh nhân phân bố tại 175 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (119), Đông Anh (97), Long Biên (43), Hoàng Mai (38), Nam Từ Liêm (37)...
Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay là hơn 1,59 triệu ca.
Hiện chỉ còn 95.316 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 237 ca điều trị tại bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.
Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, tính từ chiều 16-4 cho đến hết ngày 7-5, Hà Nội có hơn 151.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1.
Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai tiêm đủ 2 mũi cho hơn 99% trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi.
(Báo Hà Nội mới)
Cả nước thêm 2.269 ca Covid-19, đã tiêm 1,8 triệu liều vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Bộ Y tế cho biết, ngày 8/5, cả nước có thêm 2.269 ca Covid-19, giảm 1.077 ca so với hôm qua. Đến hiện tại, có 1.820.498 liều vắc xin đã được cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 2.269 ca nhiễm mới tại 51 tỉnh thành, giảm 1.077 ca so với hôm qua. Trong số mắc mới có 1 ca nhập cảnh và 2.268 ca ghi nhận trong nước, có 1.529 ca cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (338), Nghệ An (140), Tuyên Quang (135), Phú Thọ (129), Quảng Ninh (120), Yên Bái (101), Quảng Bình (97), Bắc Ninh (92), Bắc Giang (82), Vĩnh Phúc (78), Lào Cai (69), Thái Bình (65), Bắc Kạn (61), Gia Lai (55), Thái Nguyên (50), Lâm Đồng (41), Hà Nam (40), Ninh Bình (37), Nam Định (35), Lạng Sơn (33), Hải Phòng (30), TP.HCM (30), Hà Tĩnh (30), Hải Dương (29), Bình Phước (28), Sơn La (27), Hưng Yên (27), Hà Giang (26), Hòa Bình (25), Thanh Hóa (21), Cao Bằng (19), Đắk Nông (19), Lai Châu (17), Quảng Trị (16), Bà Rịa - Vũng Tàu (15), Bình Định (13), Tây Ninh (12), Quảng Nam (10), Bình Dương (10), Đà Nẵng (10), Vĩnh Long (9), Điện Biên (9), Phú Yên (8 ), Khánh Hòa (6), Đồng Tháp (6), Cà Mau (6), Bình Thuận (5), Đồng Nai (2), Bến Tre (2), Kiên Giang (2), Hậu Giang (1). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (giảm 292), Vĩnh Phúc (giảm 144), Bắc Ninh (giảm 61). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Nông (tăng 11), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 10), Phú Yên (tăng 8). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.676.184 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), cả nước ghi nhận 10.668.433 ca, trong đó có 9.317.774 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.591.431), TP.HCM (608.729), Nghệ An (482.633), Bắc Giang (385.799), Bình Dương (383.517).
Về tình hình điều trị, tổng số ca được điều trị khỏi là 9.320.591. Hiện có 473 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 32 ca thở máy xâm lấn và 2 ca ECMO.
Từ 17h30 ngày 7/5 đến 17h30 ngày 8/5 ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.056 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, xếp thứ 3 ASEAN.
Về tình hình xét nghiệm, từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện được 39.501.731 mẫu tương đương 85.805.439 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, tổng số vắc xin đã tiêm là 215.688.790 liều. Trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 196.483.237 liều: Mũi 1 là 71.452.664 liều; Mũi 2 là 68.658.415 liều; Mũi 3 là 1.505.954 liều; Mũi bổ sung là 15.241.704 liều; Mũi nhắc lại là 39.624.500 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.385.055 liều: Mũi 1 là 8.911.337 liều; Mũi 2 là 8.473.718 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.820.498 liều (mũi 1).
(Báo Vietnamnet)
Hà Nội lên phương án phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ SEA Games 31
UBND TP Hà Nội vừa ban hành phương án phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) trên địa bàn thành phố, nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch Covid-19, chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức SEA Games 31, nhất là bảo vệ sức khỏe cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham gia điều hành thi đấu.
Theo phương án này, các trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc mắc Covid-19 không tham gia thi đấu, tham gia phục vụ SEA Games 31 và thực hiện việc cách ly, điều trị theo hướng dẫn. Những người tiếp xúc gần với trường hợp có xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc Covid-19 trong thời gian thi đấu, thời gian phục vụ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo hướng dẫn, khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì có thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia thi đấu hoặc phục vụ thi đấu.
Các đoàn thể thao thực hiện theo cơ chế “khép kín” trong quá trình tham dự thi đấu tại SEA Games 31: Di chuyển một chiều từ nơi lưu trú đến nơi tập luyện, thi đấu và ngược lại. Tại Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 và quá trình tổ chức thi đấu, chỉ lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.
Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, nhưng phải thường xuyên đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; hạn chế tối đa tập trung đông người. Quá trình tổ chức thi đấu, phải phân chia khu vực rõ ràng và kiểm soát ra, vào để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa các nhóm; tổ chức khử khuẩn bên trong khu vực thi đấu trước một ngày diễn ra thi đấu. Trong thời gian diễn ra các nội dung thi đấu, Ban tổ chức địa phương bố trí khử khuẩn, vệ sinh tại vị trí tiếp xúc thường xuyên hai lần/ngày.
Phương án phòng chống dịch cũng nêu rõ, căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 ở thời điểm tổ chức thi đấu, thành phố có ba kịch bản tổ chức thi đấu, gồm: Thi đấu kín hoàn toàn; giới hạn số lượng khán giả và đầy đủ khán giả.