Từ bao năm nay, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã trở thành ngày để các thế hệ học trò thể hiện lòng thành và sự biết ơn đến những bậc thầy cô kính yêu của mình. Có thể khẳng định: nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Vì vậy, ngày Hiến chương Nhà giáo trở nên ý nghĩa thiêng liêng vô cùng.
Trên thế giới:
Tháng 7/1946, Liên hiệp Quốc tế các công đoàn Giáo dục được thành lập, viết tắt là "FISE", trụ sở đặt tại Paris. Năm 1949, tại Hội nghị Vacxava, FISE xây dựng một bản "HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO" gồm 15 chương trong đó có các nội dung chủ yếu là:
- Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.
- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.
- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến. Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”. Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacxava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia trong đó có Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Tại Việt Nam:
Từ khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam. Do tính chất và mục đích của tổ chức ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội; để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982: “hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là Ngày nhà giáo Việt Nam”. Và ngày 20/11/1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình Hà Nội.
Như trở thành thông lệ, vào ngày 20/11 tất cả các trường trong cả nước lại nô nức với các hoạt động do những học sinh, sinh viên trong trường thực hiện như: Thi văn nghệ, lễ mít-tinh chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, dựng trại, thi cắm hoa... và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.
Vào những ngày này, tất cả các thế hệ học trò, cũng như những ngành nghề khác trong xã hội đều giành thời gian để chia sẻ và tri ân tới những người thầy, cô từng ngày âm thầm lặng lẽ cống hiến hết cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người của đất nước.
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Tôn sư trọng đạo”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”….