Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90 tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Năm 2021, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt các khía cạnh kinh tế, xã hội trong đó có chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng và đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện được xác định tình trạng nghiện ma túy, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy. Nước ta cũng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong bối cảnh dịch covid-19. Hiện nay toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp. Triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV tại 33 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn các tỉnh dự án của PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ.
Cùng với đó, việc điều trị HIV/AIDS cũng tiếp tục được đẩy mạnh: Cả nước hiện có 478 cơ sở điều trị HIV (trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm y tế), 38 trại giam, trung tâm 06 và 02 trại tạm giam. Hiện cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người. Trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Đến 19/8/2021 đã điều trị Viêm gan C miễn phí được cho 1.623 bệnh nhân là người đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 30 tỉnh (86 cơ sở)
Chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cở sở điều trị của 63 tỉnh, thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Tính đến hết tháng 10, tại 3 tỉnh, thành phố thực hiện đề án thí điểm đã có hơn 1.100 bệnh nhân được cấp thuốc Methadone mang về nhà và có hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố
Đồng thời, triển khai đa dạng mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS gồm đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội như các trang thông tin điện tử (website); facebook, tick tok, các diễn đàn và truyền thông đại chúng nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế tiếp cận trực tiếp. Các hình thức tiếp cận cộng đồng, truyền thông cá nhân, nhóm và các hình thức khác vẫn được triển khai đa dạng nhất là với các địa phương dịch Covid-19 không bị ảnh hưởng nhiều.
Năm 2021, dịch Covid-19 lan rộng nên việc giãn cách xã hội cũng như phong tỏa các cơ sở cung cấp dịch vụ, các chiến lược cách ly cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách liên tục của các nhóm khách hàng đích. Cũng do dịch covid-19 nên sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giảm đáng kể. Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90 tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Hiện nay đã chuẩn bị kết thúc năm 2021, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, hết tháng 10 đã có: 89% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 76% số người chẩn đoán nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc ARV và có tới 96% số người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Mục tiêu 90-90-90 sẽ kết thúc vào năm 2025, tuy nhiên nếu không có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu này vẫn rất khó để hoàn thành.