Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh lý vào thời điểm giao mùa chủ yếu do: trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, sức đề kháng còn rất kém vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao trong khi trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. Trẻ thường xuyên sống trong môi trường đông đúc tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi có một bạn nhỏ bị bệnh sẽ dễ lây lan cho các bạn khác. Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng là khí hậu lạnh ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, vi-rút đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh cho trẻ,tiết trời ấm áp thì khi độ ẩm tăng cao sẽ là điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đặc biệt, những trẻ hiếu động dễ sinh mồ hôi, không được lau kịp thời khiến các bệnh về đường hô hấp, ho cảm gia tăng.
Một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi
Đau họng: Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, thường xuyên và dễ gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, khi mắc bệnh trẻ thường bị sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn.
Cảm cúm: Bệnh do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ nhỏ rất dễ bị lây bệnh này khi thay đổi thời tiết, nóng chuyển sang lạnh. Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu... nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp.
Viêm tắc thanh quản và khí quản: Nếu trẻ thường ho nhiều về ban đêm, ho dữ dội thì rất có thể đã mắc bệnh viêm tắc thanh quản và khí quản. Bệnh này thường do viêm nhiễm vi-rút và dễ mắc nhiều vào thời điểm giao mùa. Trường hợp trẻ thở khò khè phát ra tiếng kêu nên đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.
Viêm tai: Khi bị sốt trên 39 độ C, trẻ thường bị kèm theo các bệnh về tai. Sự cố thường gặp khi viêm nhiễm tai ở trẻ nhỏ là vòi nhĩ (nối liền tai giữa với mặt sau cuống họng, có nhiệm vụ để thoát dịch) bị tắc nghẽn, dịch ứ đọng tăng áp lực lên màng nhĩ, trẻ bắt đầu cảm thấy đau. Các vòi này cũng có thể bị tổn thương, bị vỡ khi trẻ nằm bú bình và có một lượng nhỏ sữa chảy trở lại vào tai, phát sinh hiện tượng viêm nhiễm. Bởi vậy, khi trẻ bú người ta thường thấy chúng khóc là do đau tai. Ngoài ra chứng viêm nhiễm này còn làm cho trẻ gặp khó khăn khi ngủ. Trẻ đau tai khóc nhiều kèm theo sốt, cảm lạnh, đau đầu, sưng cổ nên đi khám ngay
Nếu bé nhà bạn có một trong những biểu hiện của các bệnh trên, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám ngay và đặc biệt không nên tự chữa bệnh cho con. Khi thấy con ho, sốt, không ít người đã tự ra hiệu thuốc, mua kháng sinh về “điều trị”. Mỗi thể viêm có phác đồ điều trị riêng, có loại bệnh dùng kháng sinh này, loại dùng kháng sinh khác, cũng có loại bệnh không nên dùng kháng sinh.
Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khi dùng thuốc bừa bãi. Vì thế, khi có những triệu chứng kể trên, cách tốt nhất là cho trẻ đến cơ sở y tế. Phát hiện sớm, điều trị đúng cách, trẻ sẽ mau lành bệnh và phục hồi nhanh chóng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vào thời gian giao mùa này, các mẹ nên giữ cho mình những “bí kíp” để bảo vệ gia đình mình.
Uống nước thường xuyên: Trong thời điểm giao mùa muốn cho cơ thể luôn có sức đề kháng tốt, không thể vắng mặt thành phần của nước. Lượng nước cơ thể cần bổ sung mỗi ngày trung bình cần khoảng 8 ly, nhưng con số này có thể dao động phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thói quen luyện tập... của bạn.
Bổ sung vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm: Vitamin C hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể, vitamin C còn có thể đẩy các chất có hại ra ngoài tế bào bạch huyết, phục hồi khả năng các tế bào bị thương tổn. Lúc bị cảm hoặc bị sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm thấp. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh vân vân.
Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm : Kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của vi-rút cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “khắc tinh của vi-rút”.
Thực phẩm chứa kẽm bao gồm: con hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng....
Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A : Vitamin A có thể ổn định màng tế bào da trên cơ thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại vi-rút của các tế bào cũng giảm đi, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi, một khi bị vi-rút, vi khuẩn tấn công thì rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm cà rốt, gan động vật, thịt đỏ, rau ngót, đu đủ…
Thêm tỏi vào bữa ăn gia đình :Tỏi được coi là “vua” của các loại gia vị vì nó có tác dụng phòng ngừa cảm cúm và chứa những hợp chất “đánh bại” các tế bào ung thư nguy hiểm như ung thư da, ruột, vú và dạ dày.
Đông y còn sử dụng tỏi như một vị thuốc để điều hòa huyết áp, chống mất ngủ, giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp…
Chăm sóc răng miệng
Nước đá mùa hè có thể khiến bạn đã cơn khát nhưng lại là thủ phạm gây hại cho men răng. Tốt nhất hãy nói không với đá lạnh và cũng nên cẩn thận với bắp ngô ngon ngọt vì mày ngô có thể giắt trong lợi, gây sưng tấy và tạo đà cho vi khuẩn phát triển. Từ bỏ ngay những thói quen ảnh hưởng xấu đến răng để vi khuẩn không có cơ hội ảnh hưởng sâu hơn đến sức khoẻ của bạn.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Điều chỉnh đồng hồ sinh học cho khớp với môi trường bên ngoài giúp bạn khoẻ khoắn hơn trong mùa thu. Buổi sáng nên ra ngoài 5 phút để thực sự tỉnh táo và để cơ thể được tắm nắng ban mai khoảng nửa tiếng. Hai, ba tiếng trước khi đi ngủ, nên tránh ánh sáng mạnh bởi chúng có thể trì hoãn cơn buồn ngủ. Các mẹ nên gọi con dậy trước giờ đi học ít nhất một tiếng đồng hồ và những ngày con được nghỉ, không nên cho con ngủ trưa quá nhiều vì khi dậy, trẻ dễ có dấu hiệu mệt mỏi.
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt
Virus cảm lạnh và cảm cúm dễ lây lan nhất khi tiếp xúc trực tiếp với những vật trong nhà như điện thoại, điều khiển ti vi, điều khiển điều hòa hoặc khi hắt xì. Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa cũng sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh môi trường sống trong lành, tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách thường xuyên hàng ngày; giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh nhất là những trẻ có tiền căn - tiền sử về dị ứng và hen suyễn... thì quan trọng nhất là phải thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.
Mặc dù việc tiêm chủng vắc-xin mới chỉ đạt mức hiệu quả ngừa bệnh 80% nhưng công bằng thì đây vẫn là liệu pháp ngăn ngừa bệnh tốt nhất hiện nay, đặc biệt là nhóm người có sức đề kháng kém như mắc các loại bệnh mãn tính, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, vì vậy để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mùa đông, đặc biệt là các loại bệnh lây lan thì việc tiêm phòng vắc-xin là hết sức cần thiết.