Vẫn biết là như thế, nhưng những đoàn viên thanh niên chúng tôi vẫn luôn băn khoăn và trăn trở. Cũng như những gì lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : ‘‘ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên’’. Nhằm phát huy, duy trì những truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta và phát huy tinh thần tương thân tương ái trong đoàn viên thanh niên hướng về cội nguồn, hướng về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có cảm nhận sâu sắc hơn về nghĩa cử cao đẹp cũng như hiểu được ý nghĩa việc làm của mình. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, chi đoàn trường MN Bồ Đề đã kết hợp với công đoàn nhà trường đã có một chuyến đi thiện nguyện thành công tốt đẹp và để lại ý nghĩa sâu sắc trong mỗi đoàn viên thanh niên. Qua tìm hiểu chúng tôi đã chọn Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc là điểm dừng chân đầu tiên trên chuyến đi thiện nguyện của mình.
Hình ảnh về trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
Theo đúng lịch trình, sáng ngày 12/03/2017, gần 60 CBGVNV và một số người thân trong gia đình các chị em đã có mặt đầy đủ. Đúng 6h30, chuyến xe tình nguyện của chúng tôi lăn bánh khởi hành, tạm xa những bộn bề, lo toan, nhộn nhịp nơi thành thị, chúng tôi mang theo mình những tâm trạng, những cảm xúc khác nhau, chúng tôi vẫn cùng nhau hát hò vui vẻ, hát những bài hát về Đoàn, những bài hát tình yêu và tình đoàn kết, cùng nhau cảm nhận những âm vang của tiếng hát vọng lại, nhìn qua khe cửa, chúng tôi đã cảm nhận được những nét hài hòa, thanh bình của làng quê với những con đường đất mộc mạc, vụt qua những rặng cao su xanh mát và những con người kiên định của những vùng đất kiên cường trong chiến tranh.
Sau khoảng chừng hơn 70km, chúng tôi đã nhìn thấy biển của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Bước xuống xe, người đầu tiên chúng tôi được gặp đó là chị Nguyễn Thu Hà – Phó giám đốc trung tâm, chị nở nụ cười chào đón chúng tôi niềm nở. Chị mời chúng tôi ngồi nán lại và kể cho chúng tôi nghe qua về trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Qua chị, chúng tôi được biết, trung tâm hiện đang nhận chăm sóc cho khoảng 100 người, trong đó có 50 người già và người khuyết tật, có 30 người bị tâm thần phân liệt, 30 bạn nhỏ trong độ tuổi từ 6 – 18 tuổi và 2 trẻ sơ sinh. Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau khi mới vào trung tâm, cái thiếu thốn lớn lao nhất là mái ấm gia đình, là tình cảm, là tiếng gọi mẹ, gọi cha, gọi con, gọi cháu mà có lẽ đó là điều giản dị và thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Mặc dù chúng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bỡ ngỡ khi gặp các em nhỏ ở đây. Nhưng rồi những bỡ ngỡ đó chợt tan biến khi các em cầm tay chúng tôi và hát bài hát ‘‘ Nối vòng tay lớn ’’ cùng chúng tôi di chuyển tới khu nhà ở của trung tâm. Khi đến thăm từng căn phòng của các cụ, các ông bà và các cháu nhỏ, không giấu nổi cảm xúc của mình, ai trong chúng tôi cũng hoe hoe khóe mắt. Chúng tôi thực sự xúc động khi nghe chính con người nơi đây kể về hoàn cảnh của mình. Có cụ thì không có con cháu, có cụ thì có con đàn cháu đống nhưng không ai chịu nuôi, thậm chí có cụ bị đuổi ra khỏi nhà vì già yếu, không có khả năng lao động nữa, có cụ khi chúng tôi tới hỏi thăm thì chỉ chùm kín chăn nói đôi lời…Rồi có những em không cha, không mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ mà không có khả năng nuôi các em, có em thì khuyết tật…
Chúng tôi còn nhớ khi tiếp xúc với một cụ ông, cụ năm nay chắc ngoài 70 tuổi. Khi được hỏi đến gia đình người thân, cụ vẫn rất hồ hởi kể về gia đình của mình nhưng khi chúng tôi hỏi : Sao cụ không về với con cháu ? tôi thấy cụ lặng im và trong khóe mắt cho cái gì đấy ngân ngấn…
Mỗi người ở đây là một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng nhưng khi đến đây mọi người đều nhận được sự quan tâm của tập thể CB nhân viên. Ở đây họ đã thực sự cảm nhận được tình yêu thương trong mái ấm gia đình. Khi chúng tôi trao cho các cụ, ông, bà … những phần quà mà chúng tôi tự quyên góp và chuẩn bị tuy không có nhiều giá trị về vật chất nhưng đó là sự đồng cảm, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và có thể những món quà mà chúng tôi mang đến cho những con người nơi đây không thấm thía là bao so với nhu cầu thiết yếu nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ là động lực, động viên để tin rằng xã hội đã, đang và sẽ luôn đồng cảm, quan tâm. Chúng tôi cũng thầm cảm ơn những con người nơi đây đã cho chúng tôi có những phút giây lắng lại để nghĩ suy để sống chậm lại và yêu thương mình hơn nữa. Chia tay với các ông, các bà, các em nhỏ và Cán bộ nhân viên nơi đây mà không ít đoàn viên thanh niên chúng tôi vẫn còn đỏ hoe đôi mắt, trong sự lưu luyến, níu kéo. Cầu mong cho những con người nơi đây có thật nhiều sức khỏe, được nhiều vòng tay cưu mang, khích lệ để có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Thiết nghĩ, hoạt động thiện nguyện như vậy thật có ý nghĩa biết bao. Qua đó, chúng tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống xã hội và thấy được rằng chúng ta là những người may mắn và hạnh phúc khi được sống với gia đình của mình. Mỗi chúng ta hãy nhìn nhận lại, dừng lại một chút để lắng nghe, để nhìn thấy còn rất nhiều người bất hạnh và không may trong cuộc sống, để mỗi chúng ta sẽ góp nhặt một chút yêu thương của mình đóng góp công sức của mình để làm nhiều việc có ích hơn nữa bồi dưỡng tri thức và đạo đức để trở thành con người hoàn thiện, người công dân có ích.
Ảnh CBGVNV chuẩn bị quà
Ảnh CBGVNV nhà trường tặng quà cho Ban quản lý Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
Hình ảnh CBGVNV tập trung chuẩn bị phát quà
Hình ảnh tặng quà cho các bà và các em nhỏ tại trung tâm
Hình ảnh lưu niệm tại trung tâm
Rời trung tâm bảo trợ, đoàn chúng tôi di chuyển đến nơi cửa Phật Tây Thiên – Vĩnh Phúc. Trên xe lúc này, mọi người dường như trở nên im lặng hơn. Sự tĩnh lặng ấy còn nhiều nỗi băn khoăn và trăn trở nhưng ai trong chúng tôi cũng nhận ra một điều : Tình yêu thương là chiếc cầu nối giản đơn gắn kết con người trong cuộc sống. Mỗi hành động yêu thương là hảo tâm của mọi người sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, mặc cảm thân phận cho những hoàn cảnh không may giúp họ có thêm nghị lực và niềm tin trong cuộc sống.
Hình ảnh lễ chùa của CBGVNV nhà trường
Thông qua chuyến đi thiện nguyện, giá trị của sự cho đi và nhận lại được mỗi người cảm nhận rất riêng. Chúng ta không tính toán hơn thua giữa cho và nhận, vì điều đó là vô nghĩa, có những điều chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”… Lời bài hát vẫn vang mãi vang mãi trên con đường trở về trường chúng tôi.